Các bệnh thường gặp ở phụ nữ trung niên
Những thay đổi về hormone, chế độ ăn kém lành mạnh có thể khiến phụ nữ trung niên thiếu dưỡng chất, mắc bệnh tiểu đường, loãng xương, tim mạch.
Từ sau tuổi 40, cơ thể phái đẹp có những thay đổi nhất định do ảnh hưởng của quá trình mãn kinh. Nguy cơ phát triển bệnh tật ở độ tuổi này cũng tăng lên do thói quen sinh hoạt không phù hợp, lão hóa, tuổi tác, suy giảm nội tiết tố.
Dưới đây là một số vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến phụ nữ trên 40 tuổi.
Thiếu vitamin và khoáng chất
Phụ nữ có chế độ ăn uống mất cân đối dễ thiếu sắt, canxi, iốt, dẫn đến mệt mỏi và kém sắc. Thiếu canxi, vitamin D còn dẫn đến mất canxi và khối lượng xương, tăng nguy cơ loãng xương. Biểu hiện thiếu canxi phổ biến gồm cơ thể mệt mỏi, suy nhược, chuột rút cơ bắp, xương yếu trong khi người thiếu vitamin D thường mệt mỏi, đau lưng, rụng tóc, vết thương khó lành, tăng nguy cơ trầm cảm.
Bệnh tiểu đường
Một số yếu tố góp phần gây ra bệnh tiểu đường ở phụ nữ trung tuổi bao gồm di truyền, lười tập thể dục, lối sống không lành mạnh và dinh dưỡng kém. Bên cạnh đó, tiền mãn kinh có thể ảnh hưởng đến cơ thể theo nhiều cách và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như tiểu đường, loãng xương.
Phái đẹp nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế đồ ngọt, tập thể dục thường xuyên và xét nghiệm đường huyết định kỳ nhằm đẩy phòng ngừa tiền tiểu đường hoặc kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn.
Bệnh tim
Theo Hiệp hội Tim mạch Thế giới, bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong phổ biến ở phụ nữ. Thói quen ăn uống kém, hút thuốc, uống rượu, lười tập thể dục và cholesterol cao góp phần gây ra tình trạng này. Ngoài ra, suy giảm nồng độ estrogen trong thời kỳ mãn kinh cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn khi lớn tuổi. Ảnh: Freepik
Hội chứng tiền mãn kinh
Mãn kinh là thời điểm đánh dấu sự kết thúc của chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, độ tuổi trung bình của phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh là 45-55 tuổi.
Phụ nữ thường trải qua giai đoạn tiền mãn kinh ở độ tuổi cuối 30 hoặc đầu 40. Lúc này, lượng hormone estrogen bắt đầu suy giảm, gây ra một số triệu chứng điển hình như đau đầu, chóng mặt, đổ mồ hôi, bốc hỏa, kinh nguyệt không đều, khô âm đạo.
Loãng xương
Loãng xương xảy ra khi xương trở nên yếu và giảm mật độ xương. Phụ nữ ở độ tuổi 40 dễ mắc hơn do nồng độ estrogen giảm dần. Ngoài chức năng sinh lý, sinh sản, hormone này còn đóng vai trò như chất bảo vệ và duy trì sức khỏe xương.
Nữ giới có người thân mắc bệnh loãng xương nên làm xét nghiệm đo mật độ xương trong thời kỳ mãn kinh để theo dõi. Bổ sung đủ vitamin D, canxi, tập thể dục phù hợp và tuân theo chế độ ăn uống hợp lý có thể giảm đáng kể nguy cơ trong thời kỳ mãn kinh.
Ung thư vú
Thống kê của Viện Ung thư quốc gia Mỹ cho thấy, tỷ lệ mắc ung thư vú ở phụ nữ trong độ tuổi 30 là 0,4%, tuổi 40 là 1,5% và từ 50 tuổi trở lên là 3,5%. Phụ nữ trung niên có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Khám sàng lọc hoặc chụp nhũ ảnh định kỳ giúp tầm soát, phát hiện và điều trị sớm.
Rối loạn sức khỏe tâm thần
Căng thẳng quá mức cũng có thể dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên giai đoạn trung niên có nguy cơ cao hơn do những thay đổi sinh lý trong thời kỳ mãn kinh.
Tuổi tác ngày càng tăng kết hợp với các vấn đề gia đình như cha mẹ già, con cái đang lớn và áp lực có thể khiến phụ nữ dễ gặp vấn đề tâm lý.